CẢM XÚC TIÊU CỰC VÀ GIA ĐÌNH
Tôi thường nhận được câu hỏi từ các gia đình có con từ 1,2 tuổi cho tới 11 tuổi về các biểu hiện ở con như sự chống đối, giận dữ, khóc lóc, không điều tiết được cảm xúc, gào thét mỗi khi có cảm xúc tiêu cực.
Những câu hỏi mà tôi hay đặt ra cho họ là:
• Khi con khóc, bạn làm gì?
• Ở nhà có ai hay to tiếng, thậm chí đánh con khi con không được như ý người lớn không?
• Khi bạn cáu giận, đặc biệt là với con, bạn thể hiện cảm xúc như thế nào?
• Khi mâu thuẫn với nhau, vợ và chồng có bao giờ to tiếng với nhau? Có bao giờ làm lành với nhau trước mặt con, và hạn chế cãi vã vào những lần sau?
• Bạn có hay chia sẻ với con về cảm xúc của bản thân không?
Chỉ cần trả lời những câu hỏi này thôi, gia đình sẽ xác định được những gì mình đang làm thích hợp hay cần điều chỉnh để giúp con phát triển cảm xúc tốt, và hiểu tại sao con lại trở nên như vậy.

CẢM XÚC TIÊU CỰC KHÔNG XẤU
Điều đầu tiên cần hiểu là: giận, buồn, ghen tị, sợ hãi, lo lắng và các biểu hiện của những cảm xúc này (đặc biệt ở trẻ bé dưới 4 như la hét, nằm ra nhà, ném đồ,…) là hoàn toàn bình thường. Vấn đề nảy sinh khi người lớn cho rằng trẻ không được phép có quyền có những cảm xúc này.
Khi con nhỏ khóc, cha mẹ chỉ cần cho con được khóc, lắng nghe tiếng khóc để hiểu nó có ý nghĩa gì, và diễn giải lại cho con hiểu: “Mẹ/Bố thấy con rất buồn, rất giận, phải không?” Trẻ bé không thể kiềm chế được hành vi trong lúc giận; chúng làm vậy để được giải tỏa. Cha mẹ chỉ cần ở bên cạnh, để nghe, để hiểu. Chỉ cần thế thôi là cảm xúc tiêu cực sẽ trôi qua nhanh chóng.
Nếu cha mẹ chống lại cảm xúc của con (“Con bị làm sao vậy?”, “Mẹ cấm con như thế”, “Việc như vậy mà cũng cáu?”), con sẽ chỉ càng thêm bức bối hơn nữa. Sự bức bối lâu dài sau nhiều lần bị đè nén cảm xúc sẽ chuyển thành biểu hiện khác vào lúc khác: chống đối cha mẹ.
Tôi xin đặc biệt lưu ý các ông bố quá hà khắc với con cái: sự hà khắc, phán xét, cấm khóc, thậm chí đe dọa để bắt con nín chỉ có thể làm cho mọi chuyện thêm tồi tệ. Con sẽ sinh ra sợ hãi chính người bố của mình. Nếu sự chèn ép về cảm xúc kéo dài, nó sẽ trở thành những tổn thương sâu đậm trong đứa trẻ. Những hành vi trên của cha hoặc mẹ không khác lưỡi dao đâm vào tim trẻ khiến trẻ đau đớn tột cùng.

CHA MẸ HỌC THỂ HIỆN CẢM XÚC
Về lâu dài, trẻ sẽ bắt chước lại cách cha mẹ thể hiện cảm xúc. Nếu bản thân cha mẹ còn to tiếng, nói lời lẽ tổn thương khi cáu giận con, thì cha mẹ cần đặc biệt lưu ý tập những điều sau:
• Hãy nói chuyện với con về cảm xúc của bản thân, mô tả lại cảm xúc ấy. (“Mẹ đang rất giận¸rất buồn, vì …”)
• Tuyệt đối không đánh con hay đổ lỗi cho con. (“Tại con mà mẹ mới cáu đấy nhé. Con lúc nào cũng thế, chả ra làm sao….)
• Hãy học chịu trách nhiệm về hành vi của bản thân. Con bạn có thể khiến bạn giận, nhưng điều đó không có nghĩa là con xứng đáng bị đánh hoặc không ra gì. Khi cha mẹ to tiếng hay đánh con, cha mẹ dạy con rằng đánh và to tiếng là cách để thể hiện cảm xúc và giải quyết mâu thuẫn.
• Học lắng nghe con, cho con được nói. Thay vì hỏi những câu như “Con nghĩ gì mà làm thế? Con bị sao vậy?” (những câu hỏi không đòi hỏi câu trả lời), hãy hỏi: “Con có muốn kể cho mẹ việc gì đã xảy ra không? Làm sao vậy con?”
• Thể hiện cho con thấy mình với bạn đời có thể bất đồng ý kiến nhưng vẫn tôn trọng nhau và cảm xúc của nhau.
• Cho con thấy mình có thể giải quyết mâu thuẫn một cách ôn hòa qua lắng nghe, đối thoại, tôn trọng cảm xúc, đề xuất giải pháp và thỏa hiệp để các bên tham gia đều cảm thấy được tôn trọng và thỏa mãn.
Khi cha mẹ thực hiện tốt những điều trên, cha mẹ sẽ thấy chính con sẽ thay đổi. Bởi lực tác động lớn nhất ảnh hưởng tới con chính là cha mẹ.
Trước khi hỏi con bị làm sao, cha mẹ hãy nhìn lại mình và hỏi: Mình có bị làm sao không?

Những cảm xúc thường có ở 1 gia đình

Liên hệ với chúng tôi

ĐĂNG KÝ NGAY

Số điện thoại

086 788 6911

Email

antoanchoem@wellbeing.com.vn

Địa điểm

Tầng 20, Tòa nhà Charm Vit, 117 Trần Duy Hưng, 
Cầu Giấy, Hà Nội

Website

Website: www.wellbeing.com.vn