Viêm phế quản là bệnh về hô hấp phổ biến ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ do hệ miễn dịch còn non yếu của trẻ. Nếu không được nhận biết và điều trị đúng cách bằng những kỹ thuật an toàn, trẻ bị viêm phế quản có thể có những biến chứng suy hô hấp.

1. Viêm phế quản là gì?
Viêm phế quản ở trẻ em là tình trạng niêm mạc phế quản của trẻ (đường dẫn khí nối khí quản và phổi) bị viêm nhiễm, sưng, tăng tiết dịch nhầy và cản trở hoạt động hô hấp của trẻ.

2. Nguyên nhân gây viêm phế quản ở trẻ
Theo các chuyên gia y tế, nguyên nhân phổ biến gây viêm phế quản ở trẻ thường là:
- Do virus hợp bào hô hấp và do vi khuẩn. Chúng thường sống mạnh mẽ trong mũi hay họng và có khả năng làm hẹp phế quản hoặc gây viêm, sưng.
- Do hệ miễn dịch của trẻ chưa phát triển đầy đủ. Ở trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh, hệ miễn dịch còn non yếu. Các tế bào miễn dịch của trẻ không có khả năng kháng khuẩn khiến virus và vi khuẩn có thể dễ dàng xâm lấn và gây bệnh.
- Do trẻ tiếp xúc lâu trong các môi trường ô nhiễm hoặc hít phải bụi bẩn

3. Biểu hiện của viêm phế quản ở trẻ
Những triệu chứng khi trẻ bị viêm phế quản thường biểu hiện gồm 3 giai đoạn:
- Giai đoạn khởi phát: Ở giai đoạn này, trẻ sẽ bắt đầu có các triệu chứng như ho khan, hắt hơi, sốt nhẹ và sổ mũi. Những triệu chứng này khá phổ biến và dễ gây nhầm lẫn cho cha mẹ khi nhận biết bệnh.
- Giai đoạn phát bệnh: Trẻ bị sốt cao và bắt đầu khó thở, da xanh xao. Giai đoạn này trẻ bắt đầu xuất hiện những biểu hiện của rối loạn tiêu hóa nhẹ như bỏ bú, biếng ăn...
- Giai đoạn nguy hiểm: Lúc này trẻ sốt cao trên 38 độ C, da khô, chân tay mềm yếu và chảy nhiều mồ hôi, ho có đờm. Thậm chí nếu tình trạng bệnh nặng, trẻ có thể rơi vào trạng thái li bì, hôn mê và có những cơn co giật.

4. Chăm sóc trẻ bị viêm phế quản
Viêm phế quản ở trẻ có thể tự khỏi nếu được chăm sóc và điều trị đúng cách. Ngay khi trẻ có những triệu chứng đầu tiên, cha mẹ và người chăm sóc trẻ hãy:
- Giữ ấm cho trẻ và đảm bảo trẻ uống đủ nước (ưu tiên nước ấm) hàng ngày.
- Vệ sinh mũi cho trẻ thường xuyên bằng nước muối sinh lý dạng nhỏ mũi
- Đưa trẻ đi khám bác sĩ để có những chỉ dẫn điều trị đúng cách
- Hạ sốt cho trẻ bằng chườm ấm toàn thân hoặc uống thuốc hạ sốt khi nhiệt độ cơ thể trẻ ≥ 38,5°C dưới sự hướng dẫn của bác sĩ.
- Nên cho trẻ ăn nhiều bữa trong ngày với thức ăn được chế biến ở dạng loãng và nhừ
Ví dụ như cháo, bột…
- Tránh cho trẻ ăn thực phẩm có nhiều đường, nước ngọt có gas và các loại thức ăn ít dinh dưỡng, khó tiêu hóa.
Lưu ý: Viêm phế quản ở trẻ chủ yếu do virus gây ra. Vì vậy tuyệt đối không cho trẻ dùng kháng sinh một cách bừa bãi. Chỉ dùng khi có sự chỉ định của bác sĩ.
Cha mẹ hãy trang bị các kiến thức về chăm sóc trẻ và tham gia khóa học sơ cấp cứu để giúp trẻ luôn được an toàn.

Xử trí khi dị vật mắc vào vết thương của trẻ| An toàn cho em