Tiêm phòng vắc-xin là biện pháp hữu hiệu giúp bảo vệ sức khỏe của trẻ bằng cách ngăn ngừa các bệnh truyền nhiễm. Bổ sung kiến thức về tiêm phòng vắc-xin là điều rất cần để hoàn thiện kỹ năng an toàn, đảm bảo an toàn cho trẻ sau tiêm.

1. Tại sao trẻ cần được tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch?
Việc tiêm ngừa được chứng minh là biện pháp tốt nhất giúp phòng các bệnh truyền nhiễm, khoảng 85-95% những người được tiêm chủng sẽ sinh ra kháng thể để bảo vệ cơ thể không bị mắc bệnh. Khi được tiêm chủng ngừa, trẻ sẽ có sức khỏe tốt, thể chất và trí não phát triển bình thường, tránh được tối đa nguy cơ bị các dị tật, di chứng do bệnh truyền nhiễm gây ra.
Theo tổ chức WHO, lịch tiêm chúng của trẻ đã được tính toán kỹ lưỡng dựa vào kết quả của rất nhiều nghiên cứu nhằm xác định độ tuổi nào trẻ phải đối mặt với nhiều nguy cơ gặp biến chứng hoặc tử vong cao khi mắc một trong các bệnh có thể chủng ngừa. Do đó, khi trẻ được tiêm phòng theo đúng lịch khuyến cáo thì khả năng phòng vệ của vắc-xin mới đạt hệu quả cao nhất.
Khi trẻ được tiêm chủng, cơ thể trẻ sẽ sản sinh ra kháng nguyên và kích thích hệ miễn dịch tạo ra kháng thể. Kháng thể khi được hình thành sẽ tiêu diệt virus, vi khuẩn và chống lại được những tác nhân gây bệnh ở những lần xâm nhập sau.

2. Những mũi tiêm cần thiết cho trẻ theo độ tuổi
- Sơ sinh
Tiêm vắc-xin viêm gan B (VGB) phòng bệnh viêm gan B: càng sớm càng tốt (trong 24h đầu sau sinh)
Tiêm vắc-xin BCG phòng bệnh lao: càng sớm càng tốt
- 2- 6 tháng tuổi:
Tiêm vắc-xin Bạch hầu- Ho gà- Uốn ván-Viêm gan B- Hib mũi 1 + uống vắc-xin Bại liệt lần 1: khi trẻ 2 tháng tuổi
Tiêm vắc xin Bạch hầu- Ho gà- Uốn ván-Viêm gan B- Hib mũi 2 + uống vac xin Bại liệt lần 2 : khi trẻ 3 tháng tuổi
Tiêm vac xin Bạch hầu- Ho gà- Uốn ván-Viêm gan B- Hib mũi 3 + uống vac xin Bại liệt lần 3 : khi trẻ 4 tháng tuổi
Vắc-xin Rotavirut: ngăn ngừa Rota virut gây bệnh tiêu chảy
- 6-12 tháng tuổi:
Tiêm phòng cúm
Tiêm vắc-xin sởi: khi trẻ 9 tháng tuổi.
- 18 tháng tuổi:
Tiêm vắc xin tiêm nhắc Bạch hầu – Ho gà- Uốn ván ; viêm gan B
Tiêm vắc-xin sởi mũi 2
- 1-5 tuổi:
Tiêm vắc-xin viêm não nhật bản phòng bệnh viên não nhật bản: Mũi 1 khi trẻ 1 tuổi, mũi 2 vào 2 tuần sau mũi 1 và mũi 3 là 1 năm sau mũi 2
Tiêm vắc xin phối hợp Sởi- Quai bị -Rubella: Mũi 1 khi trẻ 13-15 tháng tuổi, Mũi 2 khi trẻ 4-6 tuổi.
Tiêm vắc-xin phòng Thủy đậu: khi trẻ trên 12 tháng tuổi.
Tiêm phòng não mô cầu AC : khi trẻ từ 2 tuổi trở lên.
 Tiêm vắc-xin tả phòng bệnh tả: Cho trẻ uống 2 liều khi trẻ từ 2-5 tuổi ( lần 2 sau lần một 2 tuần)

3. Cha mẹ cần lưu ý gì khi tiêm phòng cho trẻ
Trước, trong và sau khi đưa trẻ đi tiêm, cha mẹ hãy nhớ:
- Không nên cho trẻ ăn quá no hoặc để trẻ quá đói trước khi tiêm phòng
- Vệ sinh cơ thể cho trẻ sạch sẽ để tránh nhiễm trùng
- Mang theo sổ khám bệnh và thông báo trước cho nhân viên y tế về các vấn đề sau:tình trạng sức khỏe, các bệnh mãn tính nếu có của trẻ, dị tật bẩm sinh, tiền sử dị ứng đặc biệt là phản ứng của trẻ với những lần tiêm chủng trước.
- Sau khi trẻ vừa tiêm xong, hãy cho trẻ ở trong khu vực sạch sẽ của cơ sở tiêm chủng trong 30 phút để theo dõi và phát hiện sớm các phản ứng sau tiêm chủng nếu có.
- Trong vòng 24 tiếng sau tiêm, cha mẹ không tắm cho trẻ và chú ý quan sát vết tiêm. Nếu thấy vết tiêm sưng to, cần đưa trẻ tới cơ sở y tế để thăm khám.
Tóm lại, tiêm vắc-xin đúng lịch giúp trẻ tránh được tối đa nguy cơ bị bệnh hoặc các dị tật, di chứng do bệnh truyền nhiễm gây ra. Do đó, cha mẹ cần cho trẻ tiêm phòng đúng thời điểm và tuân theo sự chỉ dẫn của bác sĩ.

Những điều cha mẹ cần biết khi tiêm phòng vắc-xin cho trẻ? | An toàn cho em