Sơ cứu bỏng đường hô hấp ở trẻ là một trong những kỹ năng an toàn khi ở nhà quan trọng mà cha mẹ và người chăm sóc trẻ cần được trang bị. Nếu trong 24-48 giờ sau bỏng đường hô hấp mà trẻ không được sơ cứu và điều trị đúng cách thì tỷ lệ tử vong có thể lên tới trên 50%.

1. Bỏng đường hô hấp là gì?
Bỏng hay phỏng là hiện tượng bề mặt da hoặc các mô khác bị tổn thương do nhiệt, hóa chất, điện hay bức xạ... Bỏng không chỉ đơn thuần là cảm giác bỏng, nóng rát mà còn có thể là những tổn thương da nghiêm trọng khiến những tế bào xung quanh bị ảnh hưởng hoặc chết đi. Bỏng đường hô hấp là tình trạng niêm mạc đường hô hấp bị tổn thương ở các mức độ khác nhau do nhiều tác nhân gây ra như: hít phải khói, khí nóng, các sản phẩm hóa học được sinh ra
từ các chất bị cháy; sặc nước hoặc thức ăn nóng.

2. Biểu hiện khi trẻ bị bỏng đường hô hấp
Sau khi bị bỏng đường hô hấp, trẻ thường có các biểu hiện sau đây:
- Khó nói và nuốt, có cảm giác khó chịu ở cổ họng
- Giọng nói bị khan hoặc biến đổi giọng nói
- Ho có đờm đen màu bồ hóng và có bọt lẫn các tia máu
- Trẻ khó thở hoặc thậm chí tím tái mặt mũi
- Sốt cao

3. Cách xử trí khi trẻ bị bỏng đường hô hấp
Việc cha mẹ và người chăm sóc trẻ nhận biết được sớm những tổn thương và sơ cứu kịp thời
trẻ khi bị bỏng đường hô hấp sẽ góp phần quan trọng trong việc điều trị và cứu sống trẻ, tránh
những hậu quả nghiêm trọng. Sau đây là cách xử trí khi trẻ bị bỏng đường hô hấp:
- Ngay lập tức đưa trẻ ra khỏi khu vực có khói hoặc có nhiệt cao tới nơi thoáng khí và an toàn
- Kiểm tra dấu hiệu sinh tồn của trẻ (ở mục xem thêm)
- Nếu trẻ vẫn tỉnh, bạn hãy kiểm tra đường thở của trẻ xem có dị vật không. Nếu có hãy lấy dị
vật khỏi miệng trẻ và làm thông đường thở.
Lưu ý: Nếu trẻ nôn thì không đặt trẻ nằm thẳng đầu mà phải cho đầu trẻ nghiêng sang một bên
để các chất nôn ra không sặc vào đường thở.
- Nếu trẻ bất tỉnh, hãy thực hiện hồi sức tim phổi (CPR) ngay lập tức và GỌI CỨU THƯƠNG
- Kiểm tra xem trẻ có bị thương hoặc bỏng ở các vùng trên cơ thể không. Nếu có hãy tiến hành
sơ cứu vết thương chảy máu và vết thương bỏng.
- Đưa trẻ tới cơ sở y tế để được thăm khám hoặc GỌI CỨU THƯƠNG

4. Phòng tránh bỏng đường hô hấp ở trẻ
Để phòng tránh bỏng đường hô hấp ở trẻ, cha mẹ và người chăm sóc trẻ cần:
- Không đốt củi, than tổ ong trong phòng kín
- Để các loại hóa chất ở những chỗ trẻ không thể với được
- Luôn có người lớn quan sát và trông nom trẻ

Sơ cứu kịp thời bỏng đường hô hấp ở trẻ? | An toàn cho em