Tâm lí người Á Đông thường rất ngại khi nói tới chuyện giáo dục giới tính. Vừa nhắc tới những từ nhạy cảm là đã đỏ mặt, ngại ngùng và gượng cạo. Vô hình chung, giáo dục giới tính cũng trở thành một vấn đề ít nhiều bị né tránh và chưa thoả mãn được những tò mò, thắc mắc của học sinh. Đặc biệt với học sinh THPT, giáo dục giới tính sẽ là lạc hậu và không toàn diện, thậm chí gây tác dụng ngược nếu chỉ là sử dụng bao cao su đúng hay cấm QHTD ở độ tuổi này.

Việc giáo dục giới tính cho học sinh THPT hiện nay đang như thế nào?

Theo một nghiên cứu của Tiến sĩ Trần Thành Nam - Tiến sĩ Tâm lý học trẻ em và vị thành niên – ĐHQGHN chọn mẫu tại một số trường ở nội thành và ngoại thành Hà Nội, đến hết lớp 9 có khoảng 10% học sinh đã từng quan hệ tình dục; tính đến hết lớp 12 thì con số 39%. Theo Quỹ Dân số Liên hợp Quốc (UNFPA), Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ nạo phá thai ở tuổi vị thành niên cao nhất trong các nước Đông Nam Á, số ca nạo phá thai ở độ tuổi này chiếm hơn 20% các trường hợp phá thai.
Trước thực trạng trên chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận rằng trong cuộc sống hiện đại ngày nay, các chủ đề về tình dục xuất hiện tràn ngập từ các chương trình truyền hình, sách báo, truyện, mạng xã hội... và trẻ có nguy cơ tiếp xúc từ rất sớm mà cha mẹ và nhà trường khó có thể kiểm duyệt được.

Có ít nhiều những khoảng trống về kiến thức trong sách giáo khoa về vấn đề này, cụ thể là nói ít, nói tránh. Các chương trình về giáo dục giới tính và sức khoẻ sinh sản trong nhà trường chủ yếu được thực hiện dưới các buổi sinh hoạt chuyên đề toàn trường. Công tâm mà nói, với chừng 90 phút và hàng trăm học sinh, một buổi sinh hoạt chuyên đề không thể hiệu quả trong việc trang bị kiến thức giáo dục giới tính toàn diện tới từng học sinh. Đồng thời, các chương trình chuyên sâu về giáo dục giới tính bám sát đặc điểm và vấn đề của từng độ tuổi còn rất ít ỏi và chưa lan toả được.

Có nên “Vẽ đường cho hươu chạy”?

Nhiều phụ huynh có tâm lí lo sợ rằng việc dạy trẻ về giáo dục giới tính lại khiến trẻ tò mò tự tìm hiểu và chẳng khác nào “vẽ đường cho hươu chạy”. Nhưng suy nghĩ này đã thực sự đã lạc hậu. Với sự phát triển của Internet và điện thoại thông minh, trẻ đã tiếp cận các nội dung về giới tính và tìn dục từ rất sớm, thậm chí chúng tò mò khám phá bằng nhiều kênh mà cha mẹ không tài nào biết được. Trong xu thế tất yếu ấy, chúng ta hiểu rằng “Vẽ đường cho hươu chạy đúng” chắc chắn là tốt hơn là để “hươu lạc”. Khi các em được trang bị các kiến thức về giáo dục giới tính một cách toàn diện, chính các em sẽ biết bảo vệ bản thân mình, để không “lầm đường” và có được những quyết định sáng suốt.

Nội dung giáo dục giới tính nào cần được trang bị cho học sinh THPT?

Lâu nay các nội dung được trang bị cho học sinh THPT về giáo dục giới tính thường thấy nhất là các biện pháp tránh thai và cách sử dụng bao cao su, hệ quả của QHTD ở tuổi học sinh hay không được quan hệ tình dục ở độ tuổi này. Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại ở những khía cạnh này, chúng ta sẽ thấy những điều này chưa đủ để giải đáp và thoả mãn những tò mò, câu hỏi của những học sinh THPT, cái tuổi mà đã biết yêu và bắt đầu có những nhu cầu với các hành vi tình dục. Việc chỉ tập trung truyền tải thông điệp “Cấm QHTD” tới học sinh mà không cho các em hiểu về những thay đổi ở độ tuổi này, hay việc cho các em biết những nhu cầu ấy xuất hiện là hoàn toàn bình thường… có thể tạo ra tâm lý ngược, các em sẽ cho rằng đó chỉ là những điều người lớn muốn và bắt chúng phải làm theo.

Học sinh THPT càng biết nhiều và được trang bị một cách toàn diện về các khía cạnh của giáo dục giới tính, không chỉ là trì hoãn quan hệ tình dục, STDs, sử dụng bao cao su, mà còn nhiều khía cạnh khác của tình dục lành mạnh, biết xây dựng một tình yêu đẹp ở tuổi học trò hay hiểu về trách nhiệm của việc trở thành cha mẹ để có những quyết định sáng suốt.


Giáo dục giới tính cho học sinh THPT, không chỉ là sử dụng bao cao su đúng|An toàn cho em