Sơ cứu trẻ bị bỏng nhiệt là một trong những kỹ năng đảm bảo an toàn khi ở nhà cần thiết mà cha mẹ cần trang bị. Bỏng là một trong những tai nạn thương tích thường gặp ở trẻ nhỏ bởi đây là lứa tuổi hiếu động và chưa được rèn kỹ năng an toàn.

1. Bỏng nhiệt là gì?
Bỏng nhiệt hay phỏng nhiệt là hiện tượng bề mặt da hoặc các mô khác bị tổn thương do nhiệt. Bỏng nhiệt không chỉ đơn thuần là cảm giác bỏng, nóng rát mà còn có thể là những tổn thương da nghiêm trọng khiến những tế bào xung quanh bị ảnh hưởng hoặc chết đi.

Bỏng nhiệt gồm 2 loại: bỏng khô và bỏng ướt. Trong đó:
- Bỏng do nhiệt khô thường xuất phát từ việc tiếp xúc trực tiếp với các vật có nhiệt độ cao như ấm đun siêu tốc đang nóng, bàn là nóng, bô xe máy, cháy nổ bình gas, hỏa hoạn…

- Bỏng do nhiệt ướt thường bắt nguồn từ các nguyên nhân như tiếp xúc với nước sôi, hơi nước nóng, canh nóng…

2. Các bước sơ cứu trẻ bị bỏng nhiệt
Khi xác định trẻ bị bỏng nhiệt, cha mẹ và người chăm sóc trẻ hãy tiến hành sơ cứu theo các bước sau:
- Giúp trẻ ngồi hoặc nằm xuống thảm dày để vết bỏng không tiếp xúc trực tiếp với mặt đất. Nhanh chóng làm mát vết bỏng để ngăn bỏng nặng hơn và giảm sưng phồng.
Lưu ý:
+ Nếu làm mát bằng vòi hoa sen, phải dung nước lạnh và phun nhẹ
+ Không cho trẻ nhỏ ngâm cả người trong nước lạnh vì có thể khiến trẻ bị nhiễm lạnh
+ Nếu không có nước lạnh, hãy dùng các chất lỏng làm mát khác. Ví dụ sữa
+ Tuyệt đối không bôi kem dưỡng da, thuốc mỡ nên các vết bỏng kể cả bỏng khô hay bỏng ướt
- Trong khi làm mát vết bỏng hãy tranh thủ nhờ người gọi cứu thương.
- Tiếp tục làm mát vết bỏng ít nhất 10 phút hoặc tới khi trẻ hết rát.
- Nếu vết bỏng sau lớp quần áo, giày dép… hãy cởi bỏ chúng trước khi vết bỏng sưng phồng và không đụng vào vết bỏng.
Lưu ý: Không cắt bỏ quần áo hoặc vật đang dính vào vùng bị bỏng vì có thể gây thêm thương tổn.
- Khi vết bỏng đã được làm mát, phủ lại bằng màng bọc thực phẩm để tránh nhiễm trùng. Đặt màng bọc thực phẩm dọc theo chiều dài chi; không quấn màng quanh chi vì sẽ khiến vết bỏng sưng phồng.
Lưu ý: Nếu không có màng bỏng thực phẩm hãy dùng băng vô trùng hoặc vật liệu sạch không có lông. Hoặc với vết thương ở bàn tay, bàn chân, bạn có thể sử dụng túi nhựa sach để bảo vệ bàn tay, bàn chân. Dán túi lại bằng băng dính, đừng dán chặt và lưu ý không để băng dính lên da trẻ.
- Theo dõi hơi thở, mạch và mức độ phản ứng của trẻ trong lúc chờ trợ giúp. Nếu trẻ bất tỉnh, cần mở đường thở, đăt trẻ ở tư thế hồi phục; nếu trẻ không còn thở, tiến hành CPR ngay lập tức và GỌI CỨU THƯƠNG

Sơ cứu trẻ bị bỏng nhiệt như thế nào? | An toàn cho em