Tai nạn thương tích là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ. Với mỗi trường hợp tử vong do tai nạn thương tích thì cũng có hàng ngàn trẻ phải sống tàn tật ở các mức độ khác nhau. Do đó, việc giáo dục phòng tránh tai nạn thương tích cho trẻ là vô cùng quan trọng. Nó không chỉ dừng ở việc cung cấp cho trẻ các kiến thức về nguy cơ mất an toàn hay “không được làm gì” mà còn nhiều hơn thế nữa…

Tại nạn thương tích ở trẻ và những con số nhói lòng

Tại Việt Nam, theo thống kê từ bộ Y tế, ở lứa tuổi trẻ em, hai nguyên nhân dẫn tới tử vong hàng đầu là đuối nước và tai nạn giao thông đường bộ, gây ra 2/3 tổng số các trường hợp tử vong ở trẻ. Thống kê của Cục quản lý môi trường Y tế cho thấy, mỗi năm trung bình có khoảng hơn 370.000 trẻ bị tai nạn thương tích, trong đó nhóm 15-19 tuổi chiếm tỷ lệ cao nhất 43%, tiếp đến nhóm tuổi 5-14 tuổi chiếm 36,9% và thấp nhất là nhóm 0-4 tuổi chiếm 19,5%. Trung bình hàng năm có khoảng 8000 trẻ em và trẻ vị thành niên dưới 19 tuổi chết do tai nạn thương tích, tương đương với khoảng 22 trẻ trong một ngày mà nguyên nhân chủ yếu là do đuối nước, tai nạn giao thông, ngã, bỏng, ngộ độc và động vật cắn. Với mỗi trường hợp tử vong do tai nạn thương tích thì cũng có hàng ngàn trẻ phải sống tàn tật ở các mức độ khác nhau. Tai nạn thương tích không gây tử vong cũng để lại nhiều hậu quả cho bản thân trẻ, gia đình và xã hội. Một số vấn đề do hậu quả tàn tật khiến trẻ không thể tiếp tục học tập hay khó hòa hập với cuộc sống sau này. Với những trường hợp tai nạn thương tích nhẹ hơn như các vết bầm tím, trầy xước hay tổn thương mô mềm cũng ảnh hưởng ít nhiều đến sinh hoạt của trẻ, bản thân trẻ phải nghỉ học, bố mẹ và người chăm sóc trẻ phải nghỉ làm và phải chi trả một khoản tiền nhất định cho điều trị thương tích.

Những nội dung giáo dục phòng tránh tai nạn thương tích cho trẻ nào đang được dạy trong các nhà trường?

Hiện nay, giáo dục phòng tránh tai nạn thương tích cho trẻ trong các trường học thường tập trung vào việc giáo dục cho học sinh các kiến thức, kỹ năng để tránh, không xảy ra các tai nan thương tích. Các nội dung này có thể kể tới như:
- Phòng ngã: Không chạy nhảy, đùa nghịch đặc biệt không đu, không trượt các lan can cầu thang; không gây gỗ đánh nhau; không mang đến trường những vật sắc, nhọn nguy hiểm như: dao, súng cao su…..
 - Phòng tránh tai nạn giao thông: Thực tốt luật giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy…; Đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe gắn máy, xe đạp điện; Không tụ tập trước cổng trường dễ gây ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông…
 - Phòng tránh bỏng: không chơi đồ chơi có lửa, không chơi các trò chơi tạo lửa…
 - Phòng tránh đuối nước: Không tự í tắm sông, ao, hồ; không đi bơi ở những nơi nước sâu nguy hiểm.. khi đi qua sông đi đò phải mặc áo phao cứu sinh; phải được học bơi và biết bơi.
 - Phòng tránh điện giật: Không cho tay hay kim loại, vật dẫn điện vào ổ cắm điện, không cắm điện khi tay còn ướt…
 - Phòng tránh ngộ độc thức ăn: Phải ăn thức ăn chín, uống nước đun sôi; không ăn/uống đồ ăn đã hết hạn sử dụng hoặc không rõ nguồn gốc xuất xứ…

Việc tiếp cận theo hướng giáo dục trẻ để không xảy ra các tai nạn thương tích là phương án lý tưởng và rất cần thiết. Tuy nhiên, như vậy thì chưa toàn diện. Độ tuổi học sinh là lứa tuổi vô cùng hiếu động, trẻ luôn tò mò, khám phá bản thân cũng như thử thách chính mình. Do đó, dù tránh thế nào cũng khó tránh khỏi xảy ra các tai nạn thương tích. Vì vậy, giáo dục phòng tránh tai nạn thương tích cho trẻ cần không chỉ dừng ở việc tránh cho tai nạn xảy ra, mà còn cần trang bị cho trẻ các kiến thức, kĩ năng để biết cách xử trí, sơ cứu cơ bản bước đầu nếu không may bản thân hay bạn bè bị tai nạn thương tích.

Giáo dục phòng tránh tai nạn thương tích cho học sinh không chỉ là phòng ngừa nguy cơ mất an toàn…

Ngoài những nội dung liên quan tới phòng tránh, không để các tai nạn thương tích xảy ra. Giáo dục phòng tránh tai nạn thương tích còn cần trang bị cho học sinh các kiến thức, kỹ năng để xử trí nếu không may xảy ra tai nạn thương tích, để giúp các em giảm thiểu và hạn chế tới mức thấp nhất các tổn thương cơ thể gặp phải. Có thể kể tới một số kỹ năng sơ cứu cơ bản như:
Xử trí khi bị bỏng nhẹ
Xử trí khi hóc dị vật thường thở
Kỹ năng cầm máu và băng bó vết thương cơ bản
Kỹ năng kiểm tra dấu hiệu sống: tỉnh, mạch, thở
Kỹ năng sơ cứu ngừng tim do đuối nước, điện giật…
Gọi hỗ trợ khẩn cấp và hỗ trợ từ người xung quanh



Biện pháp phòng tránh tai nạn thương tích cho trẻ, không chỉ là phòng ngừa nguy cơ mất an toàn|An toàn cho em